Các Mốc lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Nha Trang

TỰ HÀO 62 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Một tháng Tám nữa lại đến để toàn thể các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên viên Trường Đại học Nha Trang cùng ôn lại truyền thống vẻ vang trong suốt 62 năm xây dựng và phát triển (01/8/1959 – 01/8/2021), từ đó tiếp thêm động lực và tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới tràn đầy niềm tin và khát vọng. 

Tiền thân của Trường Đại học Nha Trang ngày nay là Khoa Thủy sản thuộc Học viện Nông Lâm (năm 1959). Cho đến này, Trường Đại học Nha Trang đã trải qua nhiều tên gọi như: Trường Thủy sản (năm 1966), Trường Đại học Hải sản (năm 1976), Trường Đại học Thủy sản (năm 1981). Năm 2006, trường đổi tên thành Trường Đại học Nha Trang, đánh dấu mốc phát triển mới trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nha Trang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước, Nhà trường ngày càng khẳng định được thế và lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Từ một Khoa Thuỷ sản có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác đào tạo và NCKH kỹ thuật về thủy sản, quy mô tuyển sinh Khoá 1 là 151 sinh viên, với 03 ngành: Chế biến, Nuôi trồng và Khai thác. Đến nay, Trường Đại học Nha Trang đã phát triển thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học. Trường hiện có 16 Khoa, Viện, Trung tâm đào tạo; 04 Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất. Với 43 ngành đào tạo trình độ đại học, quy mô hơn 15.000 sinh viên, hàng năm tuyển sinh 3500 sinh viên; có 17 ngành trình độ thạc sĩ; 11 ngành đào tạo tiến sĩ, với quy mô gần 950 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 67.000 kỹ sư và cử nhân, hơn 100 tiến sĩ và hơn 2.800 thạc sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và kinh tế biển. Bên cạnh đó, trường cũng đào tạo cho các nước bạn Lào, Campuchia và các nước Bangladesh, Sri Lanka, Ecuado, Ruanda hàng trăm cán bộ kinh tế, kỹ thuật trình độ đại học và sau đại học.

Trường đại học Nha Trang đi đôi với việc phát triển về quy mô đào tạo, Nhà trường luôn xác định phương châm giáo dục là đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng thực hành nghề nghiệp thành thạo, có trách nhiệm xã hội, ý thức phục vụ cộng đồng và có khả năng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu. Là một trong số ít trường 2 lần đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, nhà trường đã xây dựng và phát triển 02 chương trình đại học tiên tiến định hướng nghề nghiệp POHE, 02 chương trình song ngữ (Anh – Việt, Pháp – Việt). Đào tạo thạc sĩ, có 02 chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh và 01 tiếng Pháp.

Bên cạnh những thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước, vai trò và vị thế của Trường Đại học Nha Trang còn được thể hiện đậm nét trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhà trường đã tiến hành xây dựng được 5 hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn, liên ngành gắn với thế mạnh thuỷ sản; thành lập được 09 nhóm nghiên cứu tại các Khoa, Viện. Thực hiện thành công hơn 1.100 công trình khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở và quốc tế. Những công trình và đề tài nghiên cứu phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt, chế biến thuỷ sản… Nhiều đề tài đã tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Đại học Nha Trang như: sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chẽm, cá chẽm mõm nhọn, cá chim vây vàng; sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu thủy sản; cải tiến ngư cụ, sản xuất tàu vỏ composite...  

Trong những năm vừa qua, Nhà trường đặc biệt chú trọng đổi mới công tác phát triển đội ngũ cán bộ, tích cực tìm kiếm, khai thác các cơ hội để đưa giảng viên trẻ đi học tiến sĩ ở nước ngoài, xây dựng các chính sách thu hút các tiến sĩ trẻ về trường làm việc. Nhà trường hiện có hơn 650 cán bộ viên chức, trong đó có 458 cán bộ giảng dạy, với 23 phó giáo sư,  hơn 70 giảng viên cao cấp và giảng viên chính, 155 tiến sĩ, 345 thạc sĩ, có 13 cán bộ viên chức đang học cao học và 89 nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với nâng cao giá trị tri thức trong các sản phẩm của nền kinh tế đặt ra những thách thức lớn cho các trường đại học trong nước nói chung và Trường Đại học Nha Trang nói riêng. Với ý nghĩa đó, Nhà trường đã sớm có sự liên kết, hợp tác đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia... với hơn 300 trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương trong nước và gần 100 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới. Trường bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế từ thập niên 90 bằng các hoạt động ban đầu với một số đối tác của Na Uy, Pháp, Canada. Mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu thông qua các hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên, trao đổi thông tin khoa học, hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Trường đã triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo quốc tế như: Chương trình cao học quốc tế “Kinh tế và quản lý khai thác và nuôi trồng thủy sản” liên kết với Đại học Tromso, Na Uy; chương trình đào tạo đại học song ngữ Việt - Pháp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Quản trị du lịch. Cùng với đó là hàng loạt chương trình trao đổi hợp tác đào tạo ngắn hạn, hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thiết lập quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các địa phương trong cả nước...

Trong thời gian vừa qua, Nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cải thiện môi trường giảng dạy, học tập. Cơ sở vật chất của Nhà trường hiện có hơn 100 phòng học thuộc 12 tòa nhà được trang bị khá hiện đại với lưu lượng 6.000 sinh viên một ca học, cùng gần 100 phòng thí nghiệm, phòng hội thảo chuyên đề đạt tiêu chuẩn quốc tế. Gần 1.000 máy tính phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quản lý, khai thác và quảng bá thông tin của Trường trên internet. Thư viện đại học được trang bị hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu. Hệ thống phòng ở của ký túc xá được thiết kế khép kín, phục vụ 4.000 sinh viên nội trú. Các công trình thể thao, vui chơi giải trí và cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, tạo cho khuôn viên Trường có vẻ đẹp đặc trưng.

Trải qua 62 năm, với những đóng góp của các thế hệ cán bộ, sinh viên vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây cùng những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới vừa qua, Trường Đại học Nha Trang vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2006...Nhà trường cũng vinh dự có 21 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi liên tục, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước tiên tiến trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế trí thức, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, cạnh tranh trong đào tạo ngày càng gay gắt. Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, hệ thống giáo dục đại học trong nước đã có nhiều thay đổi. Xu hướng mở rộng quy mô đào tạo đã chuyển dần sang chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Việc phân tầng các cơ sở đào tạo cũng đã diễn ra một cách tự nhiên. Xu thế cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trong nước tạo ra thách thức lớn cho các trường đại học, đồng thời cũng tạo ra động lực cho đổi mới. Các trường đại học công lập truyền thống khi đang chịu nhiều sự ràng buộc về cơ chế chính sách nếu không chủ động trong đổi mới chắc chắn sẽ dần tụt hậu.

Nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ đại học, vững về kiến thức chuyên môn và thành thạo về kỹ năng làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, sẽ vẫn là yêu cầu rất cao trong những năm tới. Đặc biệt, những ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế biển và khoa học đại dương liên quan trực tiếp tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, sẽ đặt ra yêu cầu phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu đặt ra những yêu cầu thay đổi căn bản trong chiến lược và phương thức tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực nghiên cứu trình độ cao và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo cho đẳng cấp của mỗi trường đại học, đồng thời là những thước đo năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Phân tích rõ bối cảnh, nhận thức rõ những cơ hội và thách thức, trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược, Đại hội Đảng bộ Trường ĐHNT lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra định hướng phát triển trong giai đoạn tới là Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh thực hiện tự chủ; tiếp tục hiện đại hóa, chuẩn hóa, hội nhập quốc tế mọi mặt hoạt động của Nhà trường; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ và hợp tác tạo tiền đề cần thiết để sớm thực hiện thành công tầm nhìn đến năm 2030: thành trường đại học đa lĩnh vực có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ  hàng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực khoa học thủy sản và một số ngành kinh tế biển.

Phát huy truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, Nhà trường đã đề ra phương hướng, giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm là:

- Nâng cao năng lực quản trị Nhà trường, trong đó tập trung phát huy vai trò của hội đồng trường, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực và hiệu quả; phát huy năng lực tự chủ của các đơn vị. Phát triển đội ngũ cán bộ viên chức, trong đó chú trọng đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

- Phát triển đào tạo gắn chặt với nhu cầu nguồn nhân lực, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và tư vấn sinh viên; trong đó lĩnh vực khoa học thủy sản và kinh tế biển ngang tầm Đông Nam Á. Đổi mới hoạt động giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra và phát triển tính chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp và trách nhiệm của người học.

- Phát triển hoạt động khoa học công nghệ gắn với thực tiễn của cộng đồng và xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo; chú trọng đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thuỷ sản và kinh tế biển; hình thành môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong Nhà trường.

- Tăng cường các quan hệ hợp tác hiện có, mở rộng các hợp tác mới góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu; phát triển hợp tác bền vững với doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động phục vụ cộng đồng dựa trên nguồn lực sẵn có và thế mạnh của Nhà trường.

Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và phát triển, chúng ta phấn khởi và tự hào về những gì Trường Đại học Nha Trang đã cống hiến cho đất nước. 62 năm đó cũng đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp: Đoàn kết, sáng tạo, chung sức chung lòng vì sự phát triển của ngôi trường thân yêu, vì ngày mai lập nghiệp; tất cả vì sự phát triển cộng đồng, vì sự phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương, đất nước; vượt khó vươn lên để dạy tốt, học tập tốt và công tác tốt; năng động, linh hoạt, đổi mới để thích ứng với yêu cầu xã hội… Các giá trị truyền thống này mãi là tiền đề, nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục phát triển trong tương lai.

Mốc lịch sử quan trọng

">
Thành lập Khoa Thủy sản trực thuộc Học viện Nông Lâm.
Thành lập Trường Thủy Sản tại 48 Hàng Buồm Hà Nội.
">
">
Di chuyển toàn Trường về An Toàn, An Thụy, Hải Phòng
Đổi tên Trường Thủy sản thành Trường Đại học Hải sản (thuộc Bộ Hải sản)
">
">
Di chuyển vào Nha Trang và Tuyển sinh khóa 18, khóa đầu tiên tuyển tại Nha Trang
Xây dựng Xưởng chế biến, sản xuất nước mắm viên và tiếp nhận 04 tàu FAO.
">
">
Đổi tên Trường Đại học Hải sản thành Trường Đại học Thủy sản (thuộc Bộ Thủy sản) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba
Lần đầu tiên ở Việt nam, cho tôm sú đẻ nhân tạo thành công.
">
">
Thành lập Trung tâm nghiên cứu thủy sản miền Trung (tiền thân của Viện NTTS III).
Đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.
">
">
Đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Hạ thủy thành công tàu cá vỏ nhựa composite đầu tiên ở Việt Nam (VN 90)
">
">
Kỷ niệm 35 năm truyền thống, đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba và cờ truyền thống của Ngành Thủy sản
Triển khai Dự án SRV2701 của Na Uy tài trợ với kinh phí 3 triệu USD
">
">
Thành lập Phân hiệu Kiên Giang
Đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Quyết định đổi tên Trường Đại học Thủy sản thành Trường Đại học Nha Trang, đào tạo đa ngành.
">
">
Khai giảng lớp cao học quốc tế về kinh tế và quản lý nghề cá đầu tiên. Đưa logo Trường Đại học Nha Trang vào sử dụng
Chuyển đổi chương trình đào tạo thạc sĩ sang hình thức đào tạo tín chỉ
">
">
Xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ theo hệ thống tín chỉ. Chuyển đổi triệt để đào tạo đại học và cao đẳng theo hệ thống tín chỉ.
Tách thành lập Trường Đại học Kiên Giang trên cơ sở Phân hiệu của Trường Đại học Nha Trang tại Kiên Giang.
">
">
Trường Đại học Nha Trang là trường đại học lần thứ hai đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT